Truyền Nhân Không Gian Văn Hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên


Truyền nhân Không Gian Văn Hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên

Là một di sản quý báu của tiền nhân để lại cho các thế hệ, anh em các dân tộc Tây Nguyên đã hết sức nâng niu, trân trọng và gìn giữ bản sắc đặc biệt Văn Hóa Cồng Chiêng. Trải qua bao thế hệ, từ đời này đến đời nọ, họ cứ tiếp nối lưu truyền cho nhau báu vật thiêng liêng.

Lên Tây Nguyên vào đúng ngày có sự kiện hội thi Cồng Chiêng  cho các làng bản anh em dân tộc J’rai do Dòng Chúa Cứu Thế Plei Chuet  tại Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai tổ chức. Cuộc thi diễn ra trong một ngày. Có một  điều  đặc biệt trong cuộc thi Cồng Chiêng này đó là sự xuất hiện của các đội thi toàn là “con nít”. Ở đây thấy các em, các cháu rất nhỏ nhảy múa, chơi Chiêng một cách đắm say.

Từ năm 2005, khi mà không gian văn hóa Cồng Chiêng  Tây Nguyên đã được Tổ chức Giáo dục Khoa hoc và Văn hoá Liên Hiệp Quốc UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại! Vì không có điều kiện trực tiếp lên xứ sở Cồng Chiêng thưởng lãm văn hóa tinh túy này,  nên tôi thường xuyên theo dõi các chương trình biểu diễn trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hay qua các sân khấu được dàn dựng. Vì vậy có lẽ cảm nhận về Cồng Chiêng mơ hồ, mông lung.

Đến khi thực sự hòa mình vào mới cảm nhận được tình yêu với cồng chiêng của đồng bào các dân tộc ở cao nguyên đầy nắng và gió này. Chính họ đã thổi hồn và tiếp thêm sức cho di sản này tiếp tục “sống” cùng đất trời và con người Tây Nguyên. Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên mang tính cộng đồng rất cao, nó có mặt trong hầu hết các lễ hội, sinh hoạt của các anh em dân tộc trên Tây Nguyện.

Lưu truyền cho thế hệ trẻ trong thời đại hôm nay

Có lẽ với người J’rai, ai sinh ra cũng mang trong mình năng khiếu chơi Chiêng, nhưng cần phải học, phải tập luyện và hấp thụ  đầy đủ được tinh hoa của tiếng Chiêng, mỗi người đánh chỉ một Chiêng. Và như thế dàn Chiêng có bao nhiêu cái thì có bấy nhiêu người. Điều đó chứng tỏ tính âm nhạc phổ biến đến từng người và để thực hiện được một bài Chiêng thì mỗi người tuy đánh một chiêng nhưng phải biết tất cả các chiêng khác đánh thế nào!

“Trong mọi lễ hội của chúng tôi, già trẻ, trai gái đều tham gia một cách nhiệt tình, say đắm. Chơi chiêng chỉ có người đàn ông, đàn bà con gái thì múa phụ họa” –  Một người trung tuổi  nói.

Về những thuận lợi và khó khăn mà nhiều người có tâm huyết với Cồng Chiêng muốn truyền lại cho thế hệ sau như thế nào, họ đã làm những gì để có thể giúp cho những người trẻ, đặc biệt là các em thanh thiếu niên hiểu và gìn giữ bản sắc riêng dân tộc của  mình?.

Ông Petrôs Siu Bloach, 62 tuổi người J’rai, một người hiểu sâu sắc về văn hóa Cồng Chiêng, hiện đang trực tiếp truyền dạy lại cho các thế hệ sau, đặc biệt là giới trẻ, thanh thiếu niên  cho biết về những khó khăn và thuận lợi:

Cái khó lớn nhất đó là sự xâm nhập văn hóa đa chiều, và sự hòa nhập cái sự văn hóa đó mà không có chọn lọc. Bây giờ giới trẻ, các cháu thiếu nhi nghe đủ loại nhạc khác nhau. Nào là nhạc phương tây, nhạc ta, nhạc rock, ráp… con cháu chúng tôi bị ảnh hưởng nhiều bởi những thứ văn hóa ô hợp đó. Vậy nên khiến cho họ bị phân hóa, tiếng Cồng Chiêng bản sắc đang dần bị phai nhạt, mai một.

Sự giao thoa, giao lưu văn hóa  giữa các dân tộc là rất cần thiết, nhưng điều đó cần phải có sự chọn lọc, phân loại và thấm nhập văn hóa  một cách khoa học. Nếu không làm được như vậy thì cái thứ văn hóa xứ người dần dần sẽ đánh gục bản sắc văn hóa dân tộc của mình.

Ông nói tiếp: Linh hồn tiếng Chiêng đang dần bị lãng quên, bị thay thế và đôi khi; tuổi trẻ bây giờ khó thấm nhập được.

khi chúng tôi còn trẻ như các cháu mà chúng tôi đang truyền lại, lúc nào mà nghe tiếng Chiêng vang lên ở đâu đó, hoặc ở các lễ hội, chúng tôi có thể bỏ ăn, bỏ ngủ để được đến và được hòa mình vào – ông nói về thời trẻ mà thế hệ của ông đã từng sống trong những phút giây với Cồng Chiêng.

Cái sự mai một, phai nhạt dần bản sắc văn hóa Cồng Chiêng không chỉ dừng lại đó. Có nhiều người không ý thức và không biết mình văn hóa Cồng Chiêng nên họ không giữ lại Chiêng, Trống mà luyện tập. Đôi khi họ bán những chiếc Chiêng đó cho người Kinh với một cái giá chỉ 20 nghìn đồng. Thật tiếc cho họ!.


Khó khăn cả chủ quan và khách quan đang rình rập như vậy, nhưng  những người như  ông Siu Bloach đã quyết tâm như thế nào và có được sự thuận lợi  trong công cuộc này?

Ông nói: Mặc dù khó khăn trăm bề nhưng chúng tôi vẫn luôn luôn thúc đẩy, dạy dỗ các em, các cháu bằng cách này hay cách khác, trong bất cứ một hoàn cảnh nào để truyền lại cho họ cái tinh túy mà tộc người của mình đang thừa hưởng.

Cái thuận lợi lớn nhất mà chúng tôi có được đó là lúc nào chúng tôi cũng sử dụng văn hóa Cồng Chiêng trong nhà thờ , đây là một hình ảnh để nối tiếp không bị lãng quên. Cứ Chủ nhật trong Thánh lễ lại có đánh cồng chiêng, đó luôn luôn là một sự tiếp nối và duy trì tốt đẹp và hiệu quả nhất.

Từ đó, thấm nhập dần trong tâm hồn  mỗi người trẻ, anh chị em như đang dần nghiệm lại được văn hóa Cồng Chiêng là hồn của dân tộc mình.

Sự hội nhập văn hóa vào tôn giáo giống như một chiếc cầu vững chắc, vĩnh cửu cư nối tiếp nhau để chúng tôi lưu giữ được báu vật mà tiền nhân đã để lại.


Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên được thế giới biết đến và được nhiều người quan tâm, đặc biệt có nhiều chương trình mang tầm cỡ quốc gia kêu gọi phục hồi không gian văn hóa Cồng Chiêng đang bị mai một. Một người gắn bó với Cồng Chiêng cả cuộc đời như ông Siu  Bloach thì những chương trình đó với ông  như thế nào?

Ông cho biết: Một chương trình nào đó kêu gọi mình phục hồi lại văn hóa  thì tùy từng mục đích, tùy từng tính cách để có thể nói. Chẳng hạn như kêu gọi phục hồi để mà nâng cao tầm hưởng của một tổ chức nào đó, một thể chế nào đó, hay nhằm mục đích phục vụ cho chính trị thì nó lại khác. Còn cái cách phục hồi để mà gìn giữ, mà truyền lại theo tính cách phục hồi văn hóa với một tộc người nó lại khác.

Về cái nhìn của ông với sự các chương trình phục hồi mà ông biết, ông nói:

Nhà nước cũng tổ chức chứ, và họ tổ chức còn rất là tuyệt vời, nhưng mà cái tổ chức nó lại khác, anh tổ chức cho vui, cho giòn giã, cho thế giới biết… Nhưng mà làm cho linh hồn Cồng Chiêng sống lại là một chuyện khác , phải chính là những người anh em, phải làm lại như thế nào, bây giờ chính là điều nhức nhối nhất của anh em chúng tôi, thật sự là khó.

Nhiều chương trình được trình diễn về không gian văn hóa Cồng Chiêng trên sân khấu liệu có giống, sát với thực tế văn hóa Cồng Chiêng tại cộng đồng người J’rai?

Ông  Siu Bloach cho biết: Cũng mang danh là không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên , nhưng đã bị sân khấu hóa đi nhiều, đã bị tô vẽ, pha chế. Cái đơn thuần nhất là bộ sắc phục của chúng tôi, nhưng khi đưa lên sân khấu thì nó lại trở thành sân khấu mất rồi, nó không còn đúng nghĩa nữa, không còn là thuần túy nét văn hóa của người J’rai chúng tôi.

Khi hòa mình vào mới thấy được cái sự phong phú  văn hóa Cồng Chiêng mà anh em dân tộc Tây Nguyên có được, mới thấy hết được sự hoang dã, nguyên thủy của từng điệu nhảy, điệu múa, từng tiếng Chiêng đậm đà bản sắc của họ.

Để gìn giữ văn hóa của tộc người mình theo đúng nghĩa, chân thực nhất không chỉ có thế hệ đi trước lắng lo, còn có cả các em, các cháu đang được học, được dạy dỗ cũng lo lắng, ước muốn và  buồn vui với bản sắc dân tộc của mình.

H’ Suin, 16 tuổi nói;

Em có tham dự trong cuộc thi ngày hôm nay, em vào đội múa phụ họa  và  em cảm thấy rất vui, cảm nhận được bản sắc dân tộc mình.Em nghe nhiều loại nhạc khác nhau, cả nước ngoài nữa, đặc biệt em rất thích ban nhạc F4, nhưng  khi nghe tiếng Cồng Chiêng, em luôn cảm thấy rung động trong trái tim.

Tham gia cuộc thi này em được nhiều người lớn tuổi dậy cho múa nhiều điệu múa khác nhau. Em mong muốn được học nhiều hơn về bản sắc Cồng Chiêng của dân tộc em để em còn biết mà gìn giữ bản sắc dân tộc mình.Nhiều lúc em cũng cảm thấy buồn khi thấy nhiều người không còn mặc bộ đồ dân tộc mình khi đi lễ hội hay đi đâu đó.


Để phục hồi và gìn giữ báu vật của dân tộc mình, có rất nhiều người gắn bó cuộc đời mình với văn hóa Cồng Chiêng đã hi sinh, lăn lộn và thao thức cho tương lai. Họ đang cố gắng truyền linh hồn và lửa văn hóa của dân tộc mình cho các thế hệ một cách chân thực, truyền thống, nguyên thủy.

Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên không chỉ là báu vật của các dân tộc anh em Tây Nguyên mà còn là di sản, niềm tự hào của  quốc gia.  Để phục hồi và gìn giữ đúng giá trị tinh tuyền vốn có, thiết nghĩ hơn ai hết là những người cùng ăn, cùng ngủ, gắn bó cuộc đời với Cồng Chiêng mới có thể truyền nhân cho thế hệ sau hữu dụng nhất.

Tây Nguyên 30/06/2010

Paulus Lê Sơn

2 responses to “Truyền Nhân Không Gian Văn Hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên

  1. Xin cho biwet co the ve giup dong bao Giarai tai Pleiku vietnam. Xin giup Y Te suc khoe

  2. Nguoi Dan toc Gia Rai rat sung men Chua jesu va Duc Me Maria. Co bao mnhieu nguoi Cong Giao tai day? Thuong Ho co yeu cau kham benh y khoa khong? va the nao co the ve Vietnam giup Ho duoc? Lan truoc co ve Pleiku giup dong bao Dan toc do cha Nguyen Van Dong tai Pleiku gioi thieu. Xin cho biet nen gap ai de hoi thamva lan toi se tro ve Pleiku giup dong bao Gia Rai.
    Xin Chua chuc lanh.

    Pham Huynh

Bình luận về bài viết này